image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
DẠY VĂN - HỌC VĂN 7: TRỊNH HOÀI ĐỨC VÀ BÀI THƠ CỔ NHẤT VIẾT VỀ XỨ TÂY NINH - ĐÀO THÁI SƠN

TRỊNH HOÀI ĐỨC VÀ BÀI THƠ CỔ NHẤT VIẾT VỀ XỨ TÂY NINH

 

Nói đến Gia Định Tam Gia thì không thể không nhắc đến Trịnh Hoài Đức. Ông là một trong những người học trò xuất sắc nhất của danh sư Võ Trường Toản. Trịnh Hoài Đức ( 1765-1825), tự là Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, tổ tiên xa là người Phúc Kiến sang ngụ ở Phú Xuân, sau mời di dời vào Trấn Biên – Đồng Nai sinh sống. Cha mất sớm, ông được mẹ nuôi dạy từ nhỏ và cơ may được thụ giáo với thầy Võ Trường Toản, một nhà nho nổi tiếng ở đất Gia Định lúc bấy giờ. Khi quân Tây Sơn vào Nam Bộ, ông không tham gia mà chạy sang Chân Lạp, Campuchia lánh nạn. Chính những năm sống cùng dân tộc này mà ông có cái nhìn đầy thiện cảm được bộc lộ trong thơ ca mà sẽ nói ở phần sau.

 

Năm 1788, sau khi đánh lấy được Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho mở khoa thi để chọn người giúp việc. Trịnh Hoài Đức đỗ khoa ấy, được bổ làm Hàn lâm chế cáo. Đến năm 1789, ông được bổ làm Tri huyện ở Tân Bình, rồi được kiêm làm Điền toán trông coi việc khai khẩn đất đai ở Gia Định. Năm 1793, ông lãnh chức Đông Cung Thị Giảng. Tháng 11 năm đó, ông được cử theo Nguyễn Phúc Cảnh ra giữ thành Diên Khánh. Năm 1794, ông được thăng làm ký lục dinh Trấn Dinh, rồi được bổ làm Hộ bộ Hữu Tham tri. Năm 1801, khi chúa Nguyễn mang quân ra đánh lấy Phú Xuân, Trịnh Hoài Đức lo việc gặt hái ở Quảng Nam và Quảng Ngãi để tiếp vận quân lương . Tháng 5 năm 1802 chúa Nguyễn lên ngôi ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long. Sau đó, ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ, đồng thời sung làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Cùng đi với ông hai Phó sứ là Hữu Tham tri bộ Binh Ngô Nhân Tịnh và Hữu Tham tri bộ Hình Hoàng Ngọc Uẩn . Năm 1808, ông được bổ làm Hiệp trấn Gia Định Thành, phụ tá cho Tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn. Năm 1812, ông được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm thiên giám. Năm 1813 lại đổi làm Lại bộ Thượng thư. Năm 1816 ông lại được bổ nhiệm làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai. Sau khi, Tổng trấn Nhơn về kinh, ông tạm giữ quyền Tổng trấn (1820). Đầu năm 1820, vua Minh Mạng lên nối ngôi. Sau đó, nhà vua cho triệu ông về kinh làm Lại bộ Thượng thư như trước, lại kiêm cả Binh bộ Thượng thư, đồng thời sung chức Phó Tổng tài Quốc sử giám, thăng Hiệp biện Học sĩ. Tháng 9 năm  1821, nhà vua ngự giá ra Bắc, ông được đi theo. Khi về, ông dâng lên vua hai quyển là Lịch đại kỷ nguyên và Khang tế lục. Năm 1822, ông được cử làm Giám khảo kỳ thi ân khoa. Năm 1823, thấy mình già yếu, ông dâng sớ xin từ quan. Vua Minh Mạng sai đại thần Phạm Đăng Hưng đến thăm và lưu ở lại, ông đành phải xin về nghỉ dưỡng 3 tháng. Mãn hạn nghỉ phép, ông trở ra Huế, nhà vua ban cho ông hai ngàn quan tiền và vật liệu để ông làm nhà ở phía cửa Đông ngoài thành. Tháng 2 năm  1825, Trịnh Hoài Đức mất vì bệnh tại Huế, thọ 61 tuổi. Cả cuộc đời ông hầu hết cống hiến cho nhà Nguyễn, tuy làm quan to, giữ nhiều trọng trách của quốc gia, nhưng ông luôn một mực liêm chính, một lòng yêu thương nhân dân, toàn tâm phụng sự đất nước.

 

Có thể nói trong cuộc đời làm quan của ông thì giai đoạn ông sống và làm việc tại đất Gia Định là quan trọng nhất. Chính đất nước và con người nơi đây đã giúp ông cho ra đời bộ sách có một không hai Gia Định Thành Thông Chí. Đây là bộ sách biên khảo công phu về quá trình hình thành, đất đai, sông núi, cửa biển, phong tục, sản vật và con người ở vùng đất Gia Định xưa. Ngoài ra ông còn để lại cho đời bộ Cấn Trai Thi Tập nổi tiếng, đây là tập thơ được ông  sáng tác từ năm 1783 đến năm 1819. Thơ Trịnh Hoài Đức rất gần gũi với cuộc sống, đó là cảnh sinh hoạt của nhân dân nơi ông ở và đi qua, đó là cảnh đẹp gắn với người dân cày, chài lưới, săn bắn, làm nông tang…tất cả đều khỏe khoắn và đầy thiện cảm. Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam lại xuất hiện hình ảnh đất nước và con người Chân Lạp. Ông còn nói đến tình thân một nhà của hai dân tộc Việt – Cao Miên, mà tiêu biểu nhất là bài Quang Hóa Hồ Già của ông. Cho đến nay có thể xem đây là bài thơ cổ nhất viết về vùng đất Tây Ninh xa xưa. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

Quang Hóa tây tuần tuyệt lỗ trần,

Nhất gia Hồ Việt lưỡng tương thân,

Hồ gia thanh khởi thu vân yết,

Cửu thú sầu tùy tái thảo tân,

Lý tướng ai ngâm đồng nhập điệu,

Minh phi oán khúc nhược lưu than,

Đương niên hảo kiến y thường hội,

Triệu phẫu Tần tranh công tác tân.

 

Tạm dịch nghĩa: 

 

Tiếng kèn Hồ ở Quang Hóa 

 

Quang Hóa đi tuần về phía tây, sạch bụi giặc (Xiêm),

Miên Việt hai bên thân nhau như một nhà,

Tiếng kèn Hồ thổi lên làm đám mây thu ngừng lại,

Người đi lính thú lâu ngày, sầu theo cỏ mới ở cửa ải,

Cùng nhập điệu với tiếng ngâm buồn của Lý Quảng,

Có cái thần của khúc đàn ai oán của Chiêu Quân,

Năm xưa nếu gặp hội áo xiêm,

Thì kèn này cùng với chậu gõ của nước Triệu, đàn tranh của nước Tần cũng được mời làm tân khách.

 

Hồ già là một loại kèn mà các từ điển như của Thiều Chửu, Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng đều thống nhất ghi nghĩa là cái kèn lá, lấy lá cuốn lại làm kèn, gọi là hồ già. Người Chân Lạp xưa kia thường thổi kèn này. Trong chuyến đi tuần về phía tây, tác giả đã nghe tiếng hồ già ở đất Quang Hóa ( Tây Ninh) cất lên, một nơi biên ải xưa kia mà cảm xúc nên thơ.

 

Cái nhìn đầy thiện cảm đầu tiên khi đến vùng đất này là giặc dã đã được dẹp yên, hai dân tộc Việt – Miên hòa thuận như sống chung một nhà. Nhưng cái ấn tượng thâm trầm nhất là hình ảnh người lính thú với tiếng kèn u buồn bên cửa ải, một tâm trạng đầy sự cảm thông “ Hồ già thanh khởi thu vân yết / Cửu thú sầu tùy tái thảo tân” – có nghĩa là tiếng kèn thổi lên làm cho đám mây thu ngừng trôi, người lính thú lâu năm nhìn những ngọn cỏ mới xanh trên cửa ải mà lòng cảm thấy buồn. Hình ảnh đám mây là lấy từ tích cũ Địch Nhân Kiệt đời Đường với câu “ dưới đám mây ấy là nhà ta”, ý nói tâm trạng nhớ nhà của người lính. Hình ảnh đám cỏ mới là sự trông đợi mỏi mòn ngày về. Vì lính thú thời xưa thường thay đổi theo chu kỳ mùa thu - hoàng hoa thú, nhìn đám cỏ xanh đã bao mùa héo úa không biết đến khi nào mới được trở lại quê hương.

 

Tiếng kèn ấy còn gợi lên những nhân vật trong các điển cố xa xưa, nhưng lại ca ngợi con người hiện tại “Lý tướng ai ngâm đồng nhập điệu / Minh phi oán khúc nhược lưu than”. Lý tướng tức là Lý Quảng là một nhân vật, một tướng quân đời Hán trấn giữ biên giới giữa đất Hán và Hung Nô, nhưng vì phạm sai sót nên phải tự vẫn để đảm bảo quân kỷ quốc gia. Còn Minh phi là Vương Chiêu Quân là một mỹ nhân đời Hán đem cống cho Hung Nô để đổi lấy bình yên cho đất Hán. Hai câu thơ này tác giả mượn tiếng kèn để ca ngợi, biết ơn những người vì hòa bình của đất nước mà sẵn sàng hi sinh mạng sống cũng như cuộc đời của mình.

 

Đặc biệt ở hai câu cuối tác giả có nhắc đến “ Triệu phẫu Tần tranh – cái chậu và cây đàn tranh của nước Triệu, Tần – để ca ngợi tinh thần người lính thú cũng như danh dự của quốc gia. Đó là tích nói đến tích Lạn Tương Như phò vua Triệu hội kiến vua Tần. Chuyện là “Năm 282 TCN vua Tần cử binh đánh Triệu, lấy Thạch Thành. Năm sau, Tần lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Huệ Văn Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà. Vua Triệu lo lắng, định không đi. Võ tướng Liêm Pha cùng Lạn Tương Như bàn rằng nếu vua Triệu không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát. Vua Triệu bèn quyết định đi, cho Tương Như đi theo. Hai bên hội họp ở Dẫn Trì. Tần Chiêu Tương vương uống rượu say, nói: Quả nhân trộm nghĩ Triệu Vương giỏi nhạc, xin gảy đàn sắt cho nghe. Vua Triệu bèn cầm đàn đàn sắt gảy. Ngự sử nước Tần tiến lên chép: Ngày... tháng... năm... vua Tần cùng vua Triệu hội họp uống rượu, sai khiến vua Triệu gảy đàn sắt! Vua quan nước Tần cố ý hạ thấp nước Triệu. Tương Như bèn nghĩ kế trả đũa. Ông tiến lên nói: Vua Triệu trộm nghe nói vua Tần giỏi về âm nhạc nước Tần, xin bưng cái phẫu  đến vua Tần gõ để cùng vui với nhau! Vua Tần giận không chịu. Nhưng Tương Như cứ tiến lên dâng cái vùa. Nhân quỳ xuống mời vua Tần, vua Tần không chịu gõ. Tương Như cứng cỏi nói:Ở trong năm bước, thần xin được phép lấy máu ở cổ làm bẩn người đại vương! Các hộ vệ của vua Tần muốn chém Tương Như. Ông trợn mắt quát khiến tả hữu đều dạt ra. Vua Tần không vui, đành miễn cưỡng gõ vùa một cái vào phẫu. Tương Như quay lại gọi ngự sử nước Triệu viết: Năm... tháng.... ngày... vua Tần gõ phẫu cho vua Triệu nghe! Quần thần nước Tần nói: Xin đem 15 thành nước Triệu để chúc thọ vua Tần. Lạn Tương Như cũng nói: Xin lấy Hàm Dương của Tần cho nước Triệu để chúc thọ vua Triệu. Vua Tần xong tiệc rượu, không tranh hơn được với vua Triệu. Nước Triệu cũng đặt sẵn nhiều quân lính để đợi Tần nên quân Tần không dám cử động”.  Vậy qua hai câu thơ cuối của bài thơ ta thấy tác giả dùng điển tích này để ca ngợi tiếng kèn cũng có thể đem lại danh dự cho đất nước cho dân tộc Việt cũng như người Lạn Tương Như dùng kế gõ chậu để lấy lại sỹ diện cho vua Triệu khi bị vua Tần sỹ nhục bằng cách kêu đánh đàn tranh.

 

Có thể nói Quang Hóa hồ già là bài thơ khá độc đáo và đầy cảm xúc của Trịnh Hoài Đức. Đó là tiếng kèn lá của người lính thổi ở đất biên ải Quang Hóa vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Tiếng kèn làm cho hai dân tộc Miên – Việt chung sống thuận hòa, tiếng kèn gợi nhớ quê nhà và mong đợi ngày về của người lính thú, tiếng kèn ca ngợi và biết ơn những người vì đất nước sẵn sàng hi sinh thân mình, qua đó tiếng kèn khẳng định vị thế của quốc gia dân tộc.

 

Trịnh Hoài Đức là một danh sỹ của đất Nam Bộ, ngoài việc cống hiến về mặt chính trị cho triều Nguyễn ông còn cống hiến rất nhiều về mặt văn hóa cho đất nước con người nơi đây. Ông là một con người nặng tình với gia đình, với quê hương đất nước, ông luôn có cái nhìn đầy thiện cảm từ trái tim đầy sự cảm thông với thân phận của những con người nhỏ bé. Ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam một cách đáng kể và đã đưa vào nền văn học ấy một số sắc thái địa phương, đặt biệt là tình hữu nghị của hai dân tộc Việt – Miên ở giai đoạn đầu của thế kỷ XIX. Đó cũng là điểm khác biệt giữa thơ của ông với những danh sỹ đương thời.

 

 

ĐÀO THÁI SƠN