Đọc và bàn luận:
NHỮNG CHỖ SAI CƠ BẢN
TRONG “ TÀI LIỆU DẠY HỌC – ĐỊA LÝ ĐỊA PHƯƠNG TỈNH TÂY NINH”
Sách Địa lý địa phương Tây Ninh ( sử
dụng trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông) của nhóm tác
giả Nguyễn Ngọc Dũng ( Chủ biên), Đặng Văn Dân, Tôn Thất Hiệp Dũng, Lê Thị Mỹ
Hương, Lê Văn Liêng, Phan Xuân Năng, Mai Xuân Nhàn, do NXB Giáo dục Việt Nam ấn
hành năm 2011, ở Bài 10 “ Cơ cấu dân số,
sự phân bố dân cư và dân tộc tỉnh Tây Ninh”, trang 48, Mục 3 “ Người Chăm”
có đoạn viết như sau: “ Người Chăm từ miền Trung Trung Bộ tiến dần về phía Nam,
đến định cư tại Tây Ninh và quy tụ thành hai xóm: xóm Chăm Đông Tác ( thuộc ấp
Thái Vĩnh Đông, Phường I, thị xã Tây Ninh); xóm Chăm Tạo Tác ( xã Tân Hưng,
huyện Tân Biên). Hiện nay, người Chăm có khoảng 2119 người, theo đạo Hồi thuộc
phái Pani ”. Qua phần nội dung trích của tài liệu trên, chúng tôi xin đưa ra ba
vấn đề cần trao đổi như sau:
Thứ nhất, tài liệu này xuất bản năm
2011 thì xã Tân Hưng không phải của huyện Tân Biên mà của huyện Tân Châu. Vì huyện Tân Châu được thành lập theo Quyết định số
48/HĐBT (nay là Chính phủ) ngày 13.5.1989, gồm 8 xã là: Tân Đông, Tân Hiệp, Tân
Hội, Tân Hưng, Tân Phú, Tân Thạnh, Thạnh Đông, Thạnh Nghĩa và vùng kinh tế mới
của huyện Dương Minh Châu. Sau đó huyện Tân Châu tiếp nhận thêm 2 ấp của xã
Thạnh Tân (lúc đó còn thuộc huyện Hòa Thành) và 2 ấp của xã Suối Đá, huyện
Dương Minh Châu; đồng thời thành lập 3 xã: Suối Dây, Suối Ngô, Tân Thành tại
vùng kinh tế mới. Năm 1991, thành lập thị trấn Tân Châu - thị trấn huyện lị huyện
Tân Châu - trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Thạnh;
sáp nhập xã Thạnh Nghĩa vào xã Thạnh Đông. Năm 1994, chia xã Tân Đông thành 2
xã: Tân Đông và Tân Hà; chia xã Suối Ngô thành 2 xã: Suối Ngô và Tân Hòa. …Bên
cạnh đó sự phân bố dân cư, dân tộc Chăm không chỉ tập trung ở hai khu vực trên
mà còn tập trung khá đông đúc ở nhiều khu vực khác trong tỉnh như ở ấp Tân
trung A, Tân trung B, xã Tân Phú, ấp Chăm xã Suối Dây, xã Tân Hội, Thạnh Thọ,
ấp Cây Khế, Hội Thanh… Chính vì vậy, nếu nói xã Tân Hưng từ thời điểm sau 1989
cho đến nay là của Tân Biên thì hoàn toàn sai và người Chăm Tây Ninh sống tập
trung vào hai khu vực trên thì cũng không thể gọi là đúng.
Thứ hai, là về nguồn gốc người Chăm Tây Ninh không
phải “từ miền Trung Trung Bộ tiến dần về phía Nam,
đến định cư tại Tây Ninh”. Mà là
họ di cư từ Camphuchia về qua hai đợt trên dưới 50 năm của cuối TK 17 và đầu TK
18.
Theo tài liệu “Tìm hiểu nguồn gốc người Chăm An Giang – Cát Lộc ” thì: “ Trước thế kỷ 17, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận di cư qua Campuchia.
Năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quân sang
Campuchia, giúp vua Nặc Ông Thu giải quyết việc anh em họ tranh giành ngôi vị.
Xong nhiệm vụ, Nguyễn Hữu Cảnh rút quân về Nam Bộ, một số người Chăm theo về cư
trú tại Tây Ninh”. Và theo sách Gia
Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài
Đức thì : “ Mùa đông năm Quý Dậu ( 1753)
triều đình sai cai đội Thiện Chánh hầu làm Thống suất, Ký lục Nghi Biểu hầu
Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu điều khiển tướng sỹ 5 dinh: Bình Khang, Bình
Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên…Tháng 6 mùa
hạ năm Giáp Tuất ( 1754) chia quân Gia Định làm hai đạo, Nghi Biểu hầu đem kỳ
binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân đến đâu địch thua đến đó, rồi đến Tần Lê
Bắc ra sông lớn hội cùng chính binh Tiền Giang của Thiện Chánh hầu ở đồn Lò Yêm.
Bốn phủ Xoài Lạp, Tầm Bôn, Cầu Nôm và Nam Vang của Cao Miên đều đầu hàng.
Tiếp đó liền sai thuộc tướng Cai đội
Chấn Long hầu đến phủ Tầm Phong Tiêm chiêu dụ người Côn Man Thuận Thành ( người
Chăm số đông ở đất Cao Miên) để gây
thanh thế…Mùa xuân năm Ất Hợi ( 1755) đại binh của Thiện Chánh hầu đã về trước
ở đồn Mỹ Tho, rồi lệnh cho người Côn Man đồn trú ở Bình Thanh ( Gò Bắp – Tây
Ninh), tinh tráng hơn vạn người, khi đến đất Vô Tà Ân liền bị hơn một vạn binh
của Cao Miên tập kích…Thiện Chánh hầu vì ao đầm ngăn trở nhất thời khó về cứu
viện ngay được, chỉ Nghi Biểu hầu ( Nguyễn Cưu Trinh) dẫn 5 đội tùy quân đến
ứng cứu, quân Cao Miên nghe hơi đã phải rút lui. Nghi Biểu hầu đón hơn 5000 dân
Côn Man cả nam lẫn nữ về trú dưới chân núi Bà Đen ( Bà Đinh) ”. Qua hai tài
liệu trên ta thấy người Chăm Tây Ninh không phải chủ yếu là từ Trung Trung Bộ
vào mà chính là từ Camphuchia về. Đợt thứ nhất là do Nguyễn Hữu Cảnh đưa về năm
1699 và đợt thứ hai là do Nguyễn Cư Trinh đưa về năm 1755. Vì bấy giờ từ Quảng
Bình trở vô là thuộc xứ Đàng Trong, dưới sự cai quản của Chúa Nguyễn, trong khi
đó người Chăm ở Camphuchia luôn bị hà hiếp, cướp bóc, giết chóc…nên đưa họ về
xứ Việt là một điều hiển nhiên trong chủ trương của Chúa Nguyễn. Và trong số
những người Chăm đó chính là tiền nhân của Chăm Tây Ninh hiện nay.
Thứ ba, là người Chăm từ Camphuchia
về thì họ không theo Hồi giáo Bani như sách Địa lý địa phương tỉnh Tây Ninh đã ghi, mà họ theo Islam chính
thống. Các nhà làm sách cần phải phân biệt rõ thế nào là Chăm Bani và thế nào
là Chăm Islam, không thể hiểu mù mờ như thế được. Xin đưa ra vài điểm phân biệt
cơ bản như sau:
Người Chăm Islam theo Hồi giáo chính
thống, còn gọi là Chăm theo Hồi giáo mới, để phân biệt với người Chăm Bani theo
Hồi giáo cũ - ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhóm người Chăm này chủ yếu sống ở An
Giang, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh… Họ vốn là những người Chăm di cư từ
Việt Nam
sang Campuchia, và cũng do những nguyên nhân khách quan của lịch sử mà họ quay
trở lại và sinh sống ở khu vực Nam Bộ. Vấn đề giáo lý và các quy định của Hồi giáo chính thống rất nghiêm ngặt cho
toàn thể tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Đối với một tín đồ Hồi giáo thì “năm
hành vi tôn giáo” có tính bắt buộc để mỗi tín đồ chứng minh mình là người
Hồi giáo - người có niềm tin duy nhất vào thánh Alla. Năm hành vi tôn giáo bắt
buộc đó là: Lễ nguyện Salat (Mỗi tín đồ cầu nguyện 5 lần một ngày); Tháng chay
Ramanda; Zakah (Bố thí); Haji (Hành hương về thánh địa Mecca); Jihad (Thánh
chiến với dục vọng thấp hèn của bản thân để bảo vệ giới luật Hồi giáo)...Người
Chăm Hồi giáo ở Việt Nam nói chung và những tín đồ Chăm Hồi giáo nhiệt thành ở
Nam Bộ nói riêng, do ảnh hưởng truyền thống chuộng hoà bình của dân tộc và các
chính sách phù hợp đối với tôn giáo của Nhà nước nên việc thực hiện năm hành vi
tôn giáo đã được cải biến: Tin tưởng Thượng
đế Allah là tối cao duy nhất, và Muhammad là sứ giả cuối cùng của Allah, là
người khai sáng Islam; Mỗi ngày đêm phải
cầu nguyện đủ 5 lần ; Phải ăn chay trọn tháng Ramadan ; Phải bố thí để giúp
đỡ người khó khăn hơn mình ; Nếu có khả năng thì ít nhất một lần trong đời hành
hương về thánh địa Mecca (Saudi Arabia) để làm lễ Haji… Người Chăm Hồi
giáo ở Việt Nam đặc biệt là những người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ tuân thủ khá
chặt chẽ những giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống… Khác hoàn toàn với
người Chăm Islam ở Nam Bộ, người Chăm Bani ở Ninh Thuận và Bình Thuận tin vào
Allah như một đấng tối cao nhưng đó không phải là vị thánh thần duy nhất. Họ
vẫn tôn thờ các vị thần khác trong tín ngưỡng truyền thống như Thần Mưa, Thần
Núi, Thần biển... Họ vẫn thực hiện các nghi lễ nông nghiệp theo tín ngưỡng dân
gian như lễ cầu xin thần Mẹ Xứ Sở (Rija Nưgar), lễ cầu mưa (Yor Yang), lễ cầu
thần Sóng Biển (Plao Pasah)... Người Chăm Bani cầu nguyện 3 lần/ ngày; không
nhịn ăn ban ngày vào tháng Ramưwan mà chỉ có giáo sĩ nhịn ăn ba ngày đầu tháng
mà thôi. Và họ cũng không hành hương tới thánh địa La Mecque như người Chăm
Islam chính thống.
Từ những vấn đề đã
nêu trên cho thấy các tác giả của sách Địa
lý địa phương tỉnh Tây Ninh đã đưa ra những vấn đề xung quanh việc phân bố
dân cư dân tộc Chăm Tây Ninh là hoàn toàn không chính xác từ nguồn gốc đến tôn
giáo tinh thần của họ. Cần nói thêm rằng đây là tài liệu giảng dạy chính quy
trong các trường THCS và THPT thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhưng lại sai sót
như thế thì thử hỏi giáo viên sẽ dạy như thế nào ? Học sinh sẽ học ra sao ? Chúng
tôi cảm thấy sự đính chính là hết sức cần thiết cho vấn đề mang tính giáo khoa
và giáo dục này.
ĐÀO THÁI SƠN